HỎI - ĐÁP Về Chỉ thị số 46-CT/TU, ngày 03/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ
Câu hỏi 1: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn biểu hiện như thế nào?
Trả lời:
- Lơ là, thiếu trách nhiệm trong xử lý công việc thuộc thẩm quyền, nhất là khi gặp các vấn đề khó, phức tạp cần trực tiếp xử lý hoặc tham mưu xử lý theo quy định hoặc có tình trạng thờ ơ, vô cảm, sợ trách nhiệm.
- Né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, làm hết, làm đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Có quan điểm, ý kiến, đề xuất, nội dung tham mưu không nhất quán, mâu thuẫn, thay đổi qua từng thời điểm khác nhau về cùng một sự việc, nội dung nhiệm vụ, công việc mà trong đó không phát sinh những vấn đề, tình tiết, yêu cầu mới, đòi hỏi phải xem xét, đánh giá, cân nhắc lại.
Câu hỏi 2: Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải là người như thế nào?
Trả lời: Phải thực sự nêu gương, là người truyền cảm hứng về niềm tin, khát vọng cống hiến, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.
Câu hỏi 3: Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đổi mới như thế nào về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành?
Trả lời: Bảo đảm vừa có toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hóa, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thi hành nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc.
Câu hỏi 4: Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu nhận diện, kiểm điểm, đánh giá, chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện nào?
Trả lời:
(1) Không thực hiện đúng quy chế làm việc; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là đối với những vấn đề tồn tại, vướng mắc nhiều năm, những vấn đề mới nhưng có mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật hoặc pháp luật không còn phù hợp.
(2) Có quan điểm, ý kiến, đề xuất, nội dung tham mưu không nhất quán, có sự mâu thuẫn, thay đổi qua từng thời điểm khác nhau về cùng một sự việc, nội dung nhiệm vụ, công việc mà trong đó không phát sinh những vấn đề, tình tiết, yêu cầu mới, đòi hỏi phải xem xét, đánh giá, cân nhắc lại.
(3) Làm việc một cách cầm chừng, trung bình chủ nghĩa, kéo dài, kém hiệu quả, nhất là khi thấy không còn cơ hội phấn đấu nữa nên làm việc một cách qua loa, đại khái.
(4) Không chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện hoặc quyết định giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao; không chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền các biện pháp giải quyết các công việc, nhất là công việc có khó khăn, vướng mắc.
(5) Tham mưu “lòng vòng”, không nêu rõ quan điểm, chính kiến, không rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm trong công việc; không phối hợp hoặc phối hợp không có hiệu quả với các cơ quan có liên quan trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
(6) Tìm căn cứ, lý do để không làm hoặc tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển sang cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình.
(7) Khi cùng một vấn đề có quy định khác nhau thì chỉ áp dụng những quy định có lợi cho mình, đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác hoặc lệ thuộc vào các cơ quan tư vấn.
(8) Những việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết nhưng vẫn tham mưu, chỉ đạo xin ý kiến của cấp trên; thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm trước các khiếu nại, bức xúc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
(9) Khi được hỏi hoặc xin ý kiến thì không trả lời hoặc trả lời chung chung, không rõ quan điểm, chậm trễ trong việc tiếp thu, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền.
(10) Người đứng đầu giao cho cấp phó trả lời hoặc cung cấp thông tin đối với những vấn đề, nội dung thuộc trách nhiệm của mình; không quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình mà để người khác quyết định hoặc ký thay.
(11) Một việc, một vấn đề nhưng tổ chức họp bàn nhiều lần, yêu cầu lấy ý kiến nhiều nơi, yêu cầu báo cáo nhiều lần nhưng không giải quyết được công việc; nội dung chỉ đạo chung chung, khi có nhiều ý kiến khác nhau thì không quyết định, kết luận rõ ràng, không nêu quan điểm, chính kiến, giao cho cấp dưới, yêu cầu bổ sung trình tự, thủ tục mới hoặc chờ đợi sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên hoặc cơ quan chức năng hướng dẫn.
(12) Buông lỏng quản lý, không theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới, nhất là các việc có tồn tại, vướng mắc, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Câu hỏi 5: Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần thực hiện biện pháp nào để chấn chỉnh, khắc phục, đẩy lùi tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ?
Trả lời: Thực hiện phân cấp, ủy quyền hợp lý, rõ ràng giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; khuyến khích, khơi dậy tinh thần chủ động, đổi mới, năng động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm đầu ra, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá; khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.
Câu hỏi 6: Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thực hiện việc đánh giá kết quả về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên hằng năm theo hướng như thế nào?
Trả lời: Đưa những biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ được xác định tại Chỉ thị vào Bảng chấm điểm nêu gương và quy định mức chấm điểm cao đối với những biểu hiện này, đồng thời nghiêm khắc với những nội dung đã xác định liên quan đến né tránh, đùn đẩy.
Câu hỏi 7: Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu như thế nào về công tác kiểm tra, giám sát?
Trả lời: Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao, trách nhiệm nêu gương, thái độ làm việc và phục vụ Nhân dân, tập trung ở những cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh kéo dài, biểu hiện trì trệ, thường xuyên chậm trễ tiến độ công việc. Trong đó, tăng cường vai trò của cơ quan tổ chức, nội vụ các cấp trong kiểm tra thi hành công vụ, trong xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm các biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ. Phát huy chức năng giám sát, chất vấn, tái chất vấn, trách nhiệm đối thoại với người dân, doanh nghiệp, trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng và các cá nhân có chức vụ, quyền hạn.
Câu hỏi 8: Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu sửa đổi, bổ sung Quy định số 45-QĐ/TU, ngày 20/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái về nội dung nào?
Trả lời: Bổ sung những biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ và coi đây là một trong những yếu tố để cấp có thẩm quyền đánh giá, phân xếp loại cán bộ, đảng viên ở mức “không hoàn thành nhiệm vụ”.