Cách đây tròn 60 năm, vào mùa Xuân Giáp Thìn năm 1964, Bác Hồ có nhiều hoạt động cách mạng mang ý nghĩa sâu sắc.
1964 là năm thứ tư của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất. Ngày đầu năm 1/1, như lệ thường, Bác có Thư chúc mừng năm mới với “Mấy lời thân ái nôm na/ vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân”. Mấy lời “thân ái nôm na” của Người tỏ rõ tinh thần thi đua yêu nước, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thực hiện cuộc vận động đồng bào miền xuôi đi tham gia xây dựng miền núi, ủng hộ đồng bào miền Nam, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Lời Bác truyền cảm hứng, nhiệt huyết về niềm tin thống nhất đất nước. Người viết:
“Bắc Nam như cội với cành
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng.
Rồi đây thống nhất thành công
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà.
Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”(1).
Cùng ngày, Bác đi thăm tỉnh Thái Nguyên và Khu gang thép Thái Nguyên; thăm Nhà máy điện Cao Ngạn và Bảo tàng Việt Bắc (nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam); thăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312. Ở tuổi 74, Người vẫn khỏe mạnh. Trong các buổi nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ, cùng với những lời chúc mừng năm mới thân ái, khen ngợi thành tích các mặt, một điểm quan trọng, quý giá là Người nói tới việc lấy hiệu quả thực tế làm thước đo đánh giá chi bộ, như từ việc giết giặc lập công trong kháng chiến đến thành tích các hợp tác xã và các xí nghiệp trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đối với công nhân và cán bộ làm gang thép, Người nhấn mạnh một tư tưởng lớn có giá trị trường tồn: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang. Nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như vậy”(2). 60 năm trôi qua, lời dạy của Bác vẫn luôn luôn là phương châm hành động, rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ công nhân Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên TISCO.
Đến thăm và chúc Tết Hội đồng Chính phủ họp phiên cuối năm, Bác nhắc phải làm tốt cuộc vận động “ba xây, ba chống”(3). Tại phiên họp, Bác phát biểu thẳng thắn chỉ ra thực tế tình hình - nói theo ngôn ngữ ngày nay - là dưới “nóng”, trên “lạnh”, tức là “anh chị em công nhân và nhân viên ở cơ sở thì rất hăng hái, nhưng từ cấp Giám đốc lên đến Bộ trưởng, Thứ trưởng thì còn rất nhiều người chưa chuyển, cho nên có chỗ cuộc vận động bị tắc lại. Bây giờ phải làm “ba xây, ba chống” cả hai chiều, từ dưới lên và từ trên xuống. Bản thân các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng, các đồng chí lãnh đạo phải “ba xây, ba chống”. Hơn ai hết người lãnh đạo phải nhận rõ cuộc vận động “ba xây, ba chống” này rất quan trọng để làm cho tốt”(4). Bài học lớn, vô cùng quý báu từ lời dạy của Bác 60 năm trước soi sáng hiện nay khi chúng ta đang và tiếp tục triển khai tích cực, sâu rộng Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Một điều đặc biệt là trong những hội nghị của Bộ Chính trị đầu năm, kiểm điểm công tác năm cũ (1963) và bàn nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo năm mới (1964), Bác đánh giá ngắn gọn, cô đọng về ưu điểm nhưng lại đặc biệt nhấn mạnh về hạn chế, khuyết điểm. Ngày 17/1, trong Hội nghị Bộ Chính trị, sau khi chỉ rõ “nhiều vấn đề tồn tại cứ nói đi nói lại”, Người đặt thẳng vấn đề “Nguyên nhân từ đâu? Kế hoạch đặt không sát hay chỉ đạo thực hiện không tốt? Trong lúc đó báo chí cứ nêu là trên 100 xí nghiệp hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Như vậy là ta dối ta”(5). Đây là một bài học lớn, thấm thía, rất đáng để chúng ta suy ngẫm về phương diện tự phê bình và nói thật trong sinh hoạt chính trị, kiểm điểm, báo cáo công tác.