Học tập nghị quyết

Rèn luyện phẩm chất “Liêm”, “Chính” - yếu tố nền tảng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Xây dựng và rèn luyện phẩm chất “Liêm”, “Chính” của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là một trong những yếu tố nền tảng nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.


Trên phương diện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “Liêm” là “trong sạch, không tham lam”, “luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân”, không “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng...”(1). Người có đức “Liêm” là tự trọng, biết phải trái, đúng sai và hổ thẹn khi trót làm điều xấu; biết tự răn mình để tránh điều xấu, để tâm trí luôn trong sáng. Không có đức “Liêm” thì con người sẽ bị tha hóa trầm trọng về nhân cách. Người có đức “Chính” là người ngay thẳng, công tâm, luôn dũng cảm đứng lên đấu tranh để bảo vệ lẽ phải; hành động quang minh chính đại, trong lòng không có chút tư lợi nào. “Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng phải Chính mới là người hoàn toàn”(2). “Chính” là bản chất con người cần hướng tới, giống như cây có gốc rễ vững vàng, uy vũ không thể quy phục, phú quý cám dỗ không dễ khuất phục, nghèo khổ không làm nhụt chí tiến thủ. Do đó, “Chính” là đức khó thực hiện nhất trong “tứ đức” (Cần, Kiệm, Liêm, Chính), là kết quả tất yếu của Cần, Kiệm, Liêm và là biểu hiện hoàn thiện về nhân cách con người.

Liêm - Chính là giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo, chuẩn mực đối với người cán bộ, đảng viên trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày dựa trên sự tuân thủ đạo đức công vụ, đạo đức cá nhân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn thực hành Liêm - Chính thì cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ trên ba phương diện: Đối với mình, “chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”(3); Đối với người, “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới”; Đối với công việc “phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”, “việc phải thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc trái thì dù nhỏ mấy cũng tránh” với tinh thần “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh”.